Thứ Năm, 25 tháng 10, 2007

7.000 tỷ đồng uống bia Tết

Các nhà kinh doanh bia dự đoán, mùa cuối năm (Noel, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán), thị trường Việt Nam tiêu thụ khoảng 7.000 tỷ đồng cho các loại bia từ cao cấp đến bình dân, chiếm 50-65% doanh thu bán bia cả năm của các công ty.


Còn 3 tháng nữa mới đến Tết, nhưng từ giữa tháng 11, giá bia lon Sài Gòn đã nhích lên 2.000-3.000 đồng/thùng tùy điểm bán. Nhà sản xuất khẳng định giá bán sỉ không tăng, còn đại lý bán lẻ thông báo giá bia dịp Tết có thể lên trên 150.000-160.000 đồng/thùng so với giá bán lẻ gốc là 140.000 đồng.

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất rượu - bia - nước giải khát Việt Nam, tổng sản lượng bia của các nhà máy, cơ sở sản xuất cả nước khoảng 1.290-1.300 triệu lít/năm với tổng doanh thu ước khoảng 11.700 tỷ đồng, trong đó hơn 30% là các loại "bia cỏ" - bia do các nhà máy, cơ sở địa phương sản xuất và chưa có thương hiệu nổi tiếng như bia làm ở các tỉnh… Loại sản phẩm này nhờ giá rẻ nên tiêu thụ mạnh ở nông thôn. Năm địa phương sản xuất và tiêu thụ bia lớn nhất hiện nay là TP HCM, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng và Hải Phòng.

Với hơn 10 nhãn hiệu bia có sức chi phối mạnh trên thị trường như Tiger, Heineken, San Miguel, Carlsberg, Sài Gòn, 333, Bivina, Bến Thành, Halida… thì bia Sài Gòn chiếm thị phần lớn nhất với gần 400 triệu lít/năm và doanh thu khoảng 4.000 tỷ đồng. Kế đến là bia Hà Nội trên 200 triệu lít/năm và nhà máy bia Việt Nam (Tiger, Heineken, Bivina) trên 100 triệu lít/năm, còn lại các nhãn hiệu khác chỉ vài chục triệu lít/năm.

Các "anh cả" chiếm thị phần lớn có sự phân chia lãnh địa tuy không rõ nét, nhưng cũng khá cụ thể: Bia Sài Gòn bán mạnh ở thị trường TP HCM và một số tỉnh, thành phố lớn; bia Hà Nội mạnh ở thị trường Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, Heineken chiếm thị phần cao cấp ở các nhà hàng, quán ăn sang trọng, Tiger mạnh nhất ở khu vực các tỉnh miền Tây và các nhà hàng tiệc cưới ở TP HCM…


Theo đại diện phòng tiêu thụ thị trường Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn, tuy lượng sản xuất bia của năm 2004 đã tăng hơn 10% so với năm 2003 nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, ước tính phải đến 1.800 triệu lít/năm. Hiện nay do nhu cầu tiêu thụ bia dịp Tết tăng gấp 10 lần, nhu cầu mua bia để biếu, tặng tăng gấp 30 lần tháng bình thường, một số công ty lớn ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM lại chỉ làm bia lon vào tháng cuối năm nên tình trạng cầu lớn hơn cung quá nhiều đã gây nên sự biến động giá bia.

Không kể các nhà hàng, quán ăn, tại TP HCM có trên 3.000 điểm bán lẻ các loại bia và cả nước có đến cả chục nghìn điểm bán bia dịp tết. Khoảng 50 nhà phân phối lớn chi phối giá toàn bộ thị trường, đóng vai trò tổng đại lý hay đại lý cấp 1 cho các đơn vị sản xuất.

Theo những người phụ trách kinh doanh, tiếp thị của các nhãn hiệu bia tiêu thụ mạnh, do hợp đồng đã ký cả năm với các nhà phân phối nên không có tình trạng nhà sản xuất tăng giá. Ngoài yếu tố cầu lớn hơn cung như đã nói ở trên, giá còn bị tác động ở chỗ, hơn 50% lượng bia bán trên thị trường được sản xuất theo kế hoạch đều đặn hàng tháng; tháng Tết dù sức mua tăng gấp chục lần thì lượng sản xuất vẫn chỉ bằng tháng bình thường, và các nhà máy hầu như không có hàng dự trữ nên tổng đại lý nào vốn lớn, trữ hàng nhiều từ trước sẽ có cơ hội kinh doanh tốt.

Nhìn từ phía nhà sản xuất, có vẻ như nhà phân phối là người làm mưa làm gió giá thị trường bia Tết. Nhưng thực tế, chính cách hoạt động theo kiểu "lời ăn lỗ chịu" của nhà sản xuất đã buộc nhà phân phối phải chịu nhiều rủi ro thì dĩ nhiên họ phải làm giá tháng Tết để bù lỗ trong năm.

Theo chu kỳ, từ tháng 3 đến tháng 9 là giai đoạn kinh doanh từ lỗ đến hòa vốn hoặc lời rất ít của các đại lý. Bỏ vốn cả trăm tỷ đồng ngậm vào chi phí "cược vỏ chai" 24.000-66.000 đồng/két bia, lại luôn phải đạt mức tăng doanh số theo yêu cầu của các nhà máy sản xuất, có đại lý bán lỗ nhưng không dám khai báo lỗ vì sợ vi phạm quy định bán phá giá, đại lý chấp nhận lỗ tháng bình thường để đảm bảo được nhà máy cung cấp số lượng bia đủ bán tháng tết.


Liên tục trong ba năm qua, các công ty bia trong nước đã đầu tư mạnh để tăng sản lượng và xây dựng thương hiệu. Liên tục trong các tuần qua đã diễn ra các cuộc chiêu đãi, hội nghị khách hàng mời dự tiệc, tặng quà, tặng vé du lịch nước ngoài của các hãng bia để "o bế" nhà phân phối.

Mới đây nhất, công ty San Miguel Việt Nam tổ chức các đêm hội dành cho các VIP văn nghệ sĩ, người nổi tiếng để quảng bá bia San Mig Light- loại bia nhẹ mới, dự kiến sẽ tung ra tham gia bán tết này. So với doanh thu cả ngàn tỷ đồng mỗi năm, chi phí cho các chương trình uống bia trúng thưởng, mua bia tặng áo gió, hộp quẹt, bộ ly… trị giá vài tỷ đồng là con số quá nhỏ.

Ngay trong tháng Tết, dù biết không khuyến mãi vẫn bán hết hàng nhưng các nhãn hiệu bia bán chạy vẫn làm chương trình riêng để khuếch trương thương hiệu. Phát triển thị phần nhanh phải kể đến Tiger với các hình thức tài trợ cho các nhà hàng.

Theo nguồn tin riêng, dự kiến trong tháng 1/2005, trên thị trường sẽ có thêm ba loại bia mới, trong đó có loại bia tươi cao cấp dành cho giới doanh nhân. Cuộc chiến giành thị phần bia sẽ tiếp tục khốc liệt hơn.

Nếu thế yếu của công ty bia trong nước là về chi phí quảng cáo, khuyến mãi, kém về PR và tiếp thị thì họ lại hơn về giá rẻ, sản lượng tiêu thụ mạnh. Ngược lại các công ty bia liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài lại chiếm thị phần bia có giá mắc hơn, số lượng ít nhưng doanh thu cao.

(Nguồn: SGTT)

Không có nhận xét nào: