Thứ Năm, 25 tháng 10, 2007

Tết: uống bia hay không uống bia?

Riêng tại thị trường Việt Nam hiện nay, nếu tính đến khoản bia có vốn nước ngoài đầu tư, số hương vị bia bạn có để chọn lọc giải khát trong những ngày tết đã là khá nhiều. Không chỉ còn "ken", "tai-quơ”, "cát-bớt", "ghi-nét", "san-mi-gheo", "bia kiểu Úc" như cách nay không lâu. Càng khác xa thời rất lâu trước đây khi cả thị trường miền Nam Việt Nam chỉ nổi nhất có một "lade con cọp".

Bia ở quê nhà

Vì đã có thêm nguồn bia ngoại nhập, đủ các nhãn, các hiệu của đủ các nước chứ không phải chỉ có Budweiser, Hamms, Miller, Kirin. Và còn có rất nhiều bia với những cái tên khó đọc, khó nhớ (nhất là các loại bia nhập về từ Ðức, Tiệp) chứ không đơn giản như Bass, Beck, Corona, Stella Artois, Kronenbourg ...

Rồi còn phải kể đến các nhãn bia nội, cả những nhãn nổi tiếng toàn quốc (chẳng hạn như bia Saigon, 333 Export, Saigon Xanh, Saigon Special...) đến các nhãn chỉ bán chạy ở từng địa phương. Ðừng quên bia hơi, bia tươi. Riêng khoản bia tươi ở Hà Nội nay cũng đã là đề tài của nhiều chuyện tiếu lâm, chuyện vui du lịch được truyền tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng nước ngoài.

Nói tóm lại, Việt Nam nay không thiếu các loại bia. Nhưng vẫn chưa ăn thua gì khi biết được rằng cả thế giới có đến hàng ngàn vị bia khác nhau. Tạp chí Maxim xuất bản ở Pháp mới đây có số chuyên đề giới thiệu đủ các loại bia kèm theo những mẩu đố vui dành cho các chuyên gia thưởng thức bia thời toàn cầu hoá.

Bia xứ người

Ba cách chống bị "xỉn"

- Uống tách cà phê đen nóng có thêm vài giọt brandy lúc điểm tâm.

- Khi bị nhức đầu, lờ đờ vì đã uống quá nhiều bia, sau khi thức giấc nên dùng một ly champagne. Bị xỉn vì vang, rượu mạnh, hãy uống một ly bia vàng.


- Tuy nhiên cách dễ nhất, tiện nhất: sau mỗi ly vang, ly rượu, ly bia là uống một ly nước tinh khiết.

Tuy đã và đang diễn ra ở khắp thế giới nhiều thương vụ mua trọn-bán đứt và sáp nhập giữa các công ty sản xuất-kinh doanh bia nhưng xem ra thị trường bia toàn cầu vẫn là một thị trường bia manh mún với quá nhiều thị khúc dù cho trị giá của nó là hơn 150 tỉ euro. Ðứng đầu mỗi phân khúc là một thương hiệu bia.

Theo Impact Databank thì Budweiser, "kẻ” tự xung mình là "vua các loại bia" thực ra cũng chỉ nắm được có 3,6% thị trường bia thế giới. Vì 9 trong số 10 lon bia mà Budweiser tiêu thụ được là ở trên lãnh thổ Mỹ. Ðáng chú ý hơn nữa, tổng số 20 thương hiệu bia hàng đầu thế giới cộng lại cũng chỉ chia nhau nắm giữ khoảng hơn 1/4 thị trường bia toàn cầu mà thôi.

Heineken của Hà Lan hiện là nhà sản xuất bia lớn nhất châu Âu đồng thời là một trong số ba đại công ty bia hàng đầu thế giới. Công ty Heineken có khoảng 80 thương hiệu bia khác nhau được bán ở 170 nước trên thế giới và 110 nhà máy bia đang hoạt động sản xuất ở trên 50 nước. Ba thương hiệu nổi tiếng nhất của Heineken là Heineken (phổ thông nhất ở châu Âu), Amstel (phổ thông hạng 3 ở châu Âu) và Murphy’s.

Nhưng trong hai năm trở lại đây, bia Kroenbourg của Pháp đã trở nên một đối thủ đáng gờm ở thị trường chung châu Âu. Nguyên nhân thứ hai dẫn đến làn sóng các thương vụ mua trọn-bán đứt và sáp nhập giữa các nhà sản xuất bia ở châu Âu, theo dự báo của Euromonitor, là sự gia giảm tiêu thụ bia ngày tăng cao ở các nước Tây Bắc Âu.

Người ta dự kiến rằng vào năm 2010, mức tiêu thụ bia ở khu vực này sẽ giảm từ 14 -18%. Riêng ở Ðức, thị trường bia lớn nhất trong thị trường bia toàn châu Âu, tiêu thụ bia sẽ giảm 20%.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm tiêu thụ bia ở châu Âu. Ngoài lý do kinh tế suy thoái ra còn là các lý do sức khoẻ vì tuổi tác ngày càng cao của một số đông tiêu dùng trước đây rất thường uống bia và lý do xu hướng thời trang tiêu dùng chuyển sang với rượu vang, nước trái cây, nước khoáng. Ngoài ra các luật lệ nghiêm khắc liên quan đến quảng cáo, lái xe trong tình trạng say ở nhiều quốc gia cũng đã ảnh hưởng đến tình hình phát triển của ngành kinh doanh bia.

Tình hình chung trên thị trường bia thế giới cũng không sáng sủa gì. Theo Impact Databank, sau khi đã giảm lượng tiêu thụ trong hai thập niên qua, mức tăng trưởng bia toàn cầu sẽ chỉ là 2% từ 1999 -2005. Mức tăng này là nhờ tiêu thụ bia vẫn cao ở các khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc, Ðông Nam Á, châu Phi và đặc biệt là Ðông Âu.

Theo SGTT

Việt Báo

Không có nhận xét nào: